Trường Mầm non xã Na Ư: Những ‘cô tấm’ nơi biên cương
Ở biên giới Na Ư có những “cô tấm” vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án. Họ thầm lặng hi sinh vì tương lai con trẻ vùng cao nơi đây!
Cô và trò trải nghiệm không gian ngày Tết |
Những “viên gạch” hồng...
Xác định giáo viên mầm non là người đặt “viên gạch” đầu tiên để xây lên “nền móng” cho sự phát triển nhân cách của trẻ, giáo viên trường Mầm non xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) luôn dành hết tình cảm, trách nhiệm cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Na Ư là xã biên giới của huyện Điện Biên (giáp với nước bạn Lào). Nằm ngay tại trung tâm xã Na Ư, Trường Mầm non xã Na Ư nổi bật với cảnh quan đẹp và thoáng mát. Có được điều này là do bàn tay, khối óc của tập thể nhà trường cùng sự chung tay bà con dân bản. Năm học này, trường có 224 trẻ, đa số là con em người Mông.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do nằm tại địa bàn khu vực biên giới, nhà trường xác định sẽ phải đi lên bằng nội lực là chính. Bởi vậy, những năm qua, Nhà trường đã kết nối với phụ huynh xây dựng nhiều mô hình, góc học tập ở khuôn viên sân trường, tạo sự đa dạng, phong phú, giúp trẻ hứng thú khi được tham gia hoạt động.
Cô trò nhà trường trong một hoạt động trải nghiệm. |
Cô giáo Phạm Bích Nguyệt - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Na Ư chia sẻ: Năm 2016 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Năm 2020 - 2021 UBND tỉnh tặng Bằng khen. Liên tục từ 2019 đến 2022 trường được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc. Tất cả thành tích trên đều có sự đóng góp tích cực của giáo viên trong trường. Không những nhiệt huyết, tận tụy với công việc, các cô còn luôn nhiệt tình và đi đầu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do trường, ngành tổ chức. Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường còn luôn sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, hỗ trợ nhau trong giảng dạy.
20 năm gắn bó với trẻ vùng cao ở đây, cô Nguyễn Thị Thuỷ luôn không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước. Theo cô chia sẻ: Để trẻ biết nghe lời, yêu mến, gần gũi thì người giáo viên phải hiểu tâm lý, từ đó đưa ra những của phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi.
“Giai đoạn đầu đến lớp, trẻ hay quấy khóc. Chúng cũng như con, em mình thôi. Vì thế tôi đã gần gũi, ôm ấp, vỗ về. Dần dần, trẻ cảm thấy có sự an toàn hơn, thân thiện hơn nên đã không còn khóc nữa, dần dần đi vào nề nếp”.
“Thuần hóa” trẻ bằng lời yêu thương...
Với 15 năm kinh nghiệm, cô Trần Thị Nguyệt Nga nhận thấy, trẻ từ 3 – 5 tuổi thường rất tinh nghịch, thích làm theo ý thích của mình. Việc uốn nắn, đưa các bé vào nề nếp không hề dễ. Tuy vậy, cô Nga đã kiên trì tìm hiểu, xác định ưu điểm của từng bé để động viên, khích lệ, khen ngợi kịp thời. Cô dành lời nói ngọt ngào, trìu mến để dỗ dành các bé. Ở độ tuổi này, các bé thường bắt đầu ham mê khám phá cái mới, thích hoạt động sôi nổi, thích được chơi trò chơi tinh nghịch, nên cô lại tìm những bài giảng mới, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp... để áp dụng cho bài giảng của mình. Nhờ đó mà các lớp do cô chủ nhiệm luôn đạt kết quả tốt, các bé đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo.
Hoạt động thể dục buổi sáng. |
“Đối với những trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, cô giáo cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và một số kỹ năng tham gia hoạt động học. Thể chất thông qua các hoạt động thể dục, tình cảm xã hội thì thông qua các hoạt động trải nghiệm để giáo dục cho các con tình yêu quê hương đất nước, yêu gia đình, bố mẹ… Tuy nhiên, các hoạt động dạy cho các con học 29 chữ cái rất khó khăn. Do đa số các con đều là người dân tộc thiểu số nên cách phát âm các chữ cái còn hay bị ngọng và nhầm lẫn”, cô Nga bộc bạch.
Ngoài kiến thức về chuyên môn thì điều quan trọng mà một giáo viên mầm non phải có là tình thương yêu, tính chịu khó, kiên trì. Bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non rất hiếu động, tinh nghịch. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì bản thân phải luôn giữ hình ảnh một người giáo viên với lối sống lành mạnh, giàu lòng nhân ái.
Ngoài ra, việc ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh, đặc biệt với trẻ phải luôn chuẩn mực và là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Bên cạnh đó, trường mầm non xã Na Ư còn phát huy vai trò “Lấy trẻ làm trung tâm” cho mọi hoạt động. Trường còn không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm phát huy tính tích cực của trẻ, hình thành ở trẻ các phẩm chất tốt, giúp trẻ tự tin trong mọi hoạt động.
Cô Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Khu trải nghiệm văn hóa dân tộc của chúng tôi được hoạt động hàng ngày và thường được tổ chức vào buổi sáng. Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt khi hầu hết học sinh nhà trường là con em người Thái. Khu trải nghiệm này sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp với nhau về tên gọi, đặc điểm của một số nông sản địa phương cũng như trang phục truyền thống dân tộc…”.
Trẻ làm quen với nông sản địa phương và tham gia trò chơi bán hàng. |
Bằng cả tấm lòng... sẽ thành công!
Quá trình chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ gặp nhiều khó khăn do các cháu còn nhỏ, lại hiếu động. Do đó các cô phải thường xuyên quan sát, gần gũi trẻ, hướng dẫn cho trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Khuyến khích trẻ giúp cô làm đồ dùng, đồ chơi, tìm hiểu tâm lý trẻ để biết trẻ thích gì, uốn nắn cho trẻ từ những việc làm nhỏ nhất, dạy cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi. Theo nhận định của cô giáo Phạm Bích Nguyệt thì không chỉ yêu nghề, mến trẻ, có năng lực chuyên môn tốt mà các cô giáo ở đây còn là người sống giản dị, hòa đồng và tận tụy vì công việc chung của trường.
Cô giáo Đinh Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Phải khẳng định rằng giáo viên mầm non là một nghề rất vất vả. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tâm và có tình yêu thương con trẻ thì tôi nghĩ rằng các cô giáo mầm non sẽ làm tốt được việc này. Chỉ cần chúng ta cố gắng, chúng ta hiểu trẻ, yêu nghề thì sẽ có động lực để vượt qua khó khăn. Mỗi chúng ta cũng cần phải hoàn thiện bản thân mình để làm sao yên tâm gắn bó với nghề và dành tình yêu thương cho các con”.
Đồ dùng, đồ chơi được xây dựng lên từ bàn tay, khối óc của giáo viên cùng sự hỗ trợ của phụ huynh. |
Theo chia sẻ của ban giám hiệu nhà trường, với mục tiêu bồi dưỡng nâng cao hoạt động sinh hoạt chuyên môn phù hợp với bối cảnh, đầu mỗi năm học Ban giám hiệu, tổ trưởng, giáo viên nhà trường đã tiến hành họp, đề xuất giải pháp nhằm đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Đáng chú ý là việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện đúng chu trình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học với 4 bước: chuẩn bị/thiết kế bài học; dạy và dự giờ, quan sát việc học của trẻ; suy ngẫm/chia sẻ; áp dụng/thiết kế lại.
Thực tế đã chứng minh, những nỗ lực không ngơi nghỉ của các cô giáo ở Trường mầm non xã Na Ư được đền đáp bằng những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ và sự yên lòng của các bậc phụ huynh khi gửi trẻ ở đây.
Phát huy kết quả đạt được trong những năm học vừa qua, trong thời gian tới nhà trường tiếp tục đề ra các giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, chuẩn chất lượng giáo dục mức độ II. Trường còn xác định sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy. Cùng với đó, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, chú trọng phát huy, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong công tác dạy và học.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn